Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Lễ khai trương - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Lễ khai trương có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Đại sứ các nước, các tổ chức quốc tế và đại diện các doanh nghiệp; đại diện Ngân hàng Thế giới; đại diện Tập đoàn VNPT...
Chương trình được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Trước khi diễn ra lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đã tham quan tại khu trải nghiệm Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).
Nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử
Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh xây dựng Cổng DVCQG là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp mà trực tiếp là góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của Cổng DVCQG, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng với mong muốn tạo dựng một địa chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công liên tục, minh bạch, chính xác, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, chống tiêu cực, tiết kiệm chi phí và góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu xây dựng Cổng DVCQG trên cơ sở bám sát quy định tại Nghị định số 61/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, việc thiết lập Cổng DVCQG về cơ bản đã hoàn thành các nội dung: Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; cung cấp nền tảng đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh; cung cấp nền tảng thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp.
Các giải pháp chức năng, tính năng của Cổng DVCQG đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá bảo đảm chất lượng, phù hợp với các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế. Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá mức độ an ninh, an toàn thông tin của Cổng DVCQG và đã sẵn sàng các giải pháp bảo vệ, đối phó, ứng cứu bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Trong quá trình thực hiện, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, lựa chọn một số các dịch vụ công có nhu cầu thực hiện rất lớn, liên quan trực tiếp đến sự kiện đời sống của người dân và doanh nghiệp để tích hợp lên Cổng DVCQG. Các dịch vụ công này được tái cấu trúc, cải tiến quy trình và nâng cấp, tăng tính năng hỗ trợ bằng công nghệ thông tin để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn so với việc thực hiện dịch vụ công tại thời điểm hiện tại.
Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG cung cấp các dịch vụ công, bao gồm 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: Đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Cung cấp 3 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ gồm: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó là 2 tiện ích nộp thuế điện tử và đối với doanh nghiệp, tiện ích thanh toán tiền điện.
Đối với 4 địa phương tích hợp trong năm 2019 sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công, cụ thể TPHCM: Đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội: Đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân; Quảng Ninh, Hải Phòng: Đăng ký khai sinh.
Số lượng dịch vụ công này sẽ được tiếp tục tăng lên nhanh chóng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan trong việc kết nối hệ thống và lựa chọn cung ứng dịch vụ công để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Trong quá trình xây dựng Cổng DVCQG, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tập trung nguồn lực xây dựng Cổng DVCQG theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư và cho thuê lại dịch vụ. Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, VNPT cam kết đồng hành trong quá trình xây dựng và phát triển Cổng DVCQG, áp dụng mô hình, công nghệ tiên tiến, hiện đại, cung cấp các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin tốt nhất cho người sử dụng.
Hạn chế đầu tư dàn trải
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khi Cổng DVCQG đi vào hoạt động, người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập được đến tất cả các cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Đồng thời, có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.
Theo tính toán sơ bộ đối với chi phí thực hiện nhóm dịch vụ công đang cung cấp với tần suất giao dịch hiện nay, khi chuyển đổi phương thức từ thực hiện trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng DVCQG sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó, chi phí tiết kiệm được do lợi ích từ việc thực hiện qua Cổng DVCQG mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cổng DVCQG với các nền tảng, dữ liệu dùng chung cũng sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng chứng kiến Lễ ký hợp tác giữa các bộ, ban, ngành - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ký cam kết đồng hành, phát triển Cổng DVCQG
Sau nghi thức khai trương, Cổng DVCQG đã hiện diện trên bản đồ và kết nối đến tất cả các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, trở thành cầu nối tin cậy, thiết thực và hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trinh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Để đánh giá thực tế về hiệu quả và lợi ích Cổng DVCQG mang lại cho người dân và doanh nghiệp, tại lễ khai trương, đại diện doanh nghiệp và công dân có mặt tại Hội nghị và ở nhiều điểm cầu cùng thực hiện trải nghiệm trực tiếp đăng ký 5 dịch vụ công trên Cổng DVCQG.
Theo đó, điểm cầu phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chị Hà Thị Huế thực hiện đăng ký thủ tục khai sinh; tại điểm cầu TPHCM, Phó Giám đốc Khách sạn Majestic Nguyễn Thanh Nhàn thực hiện đăng ký thủ tục đăng ký điện trung áp; tại điểm cầu thôn Hương Lộc, xã Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, anh Nguyễn Quang Bình sử dụng Cổng DVCQG để đăng ký đăng ký điện hạ áp. Ngay tại sân khấu khai trương, đại diện Tổng Công ty Vinaphone được mời lên thực hiện đăng ký thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại và đại diện công dân được mời trải nghiệm đăng ký thủ tục đăng ký đổi giấy phép lái xe.
Sau khi trải nghiệm, điểm cầu TPHCM cho biết đã nhận tin nhắn của Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã tiếp nhận hồ sơ khách hàng và gửi mã hồ sơ để khách hàng tra cứu thủ tục. Điểm cầu Quảng Ninh cũng cho biết đã thực hiện thành công đăng ký khai sinh. Sau khi Tổng Công ty Vinaphone đăng ký thủ tục khuyến mại, đại diện Sở Công Thương Kon Tum, Quảng Bình đã nhận được thông báo khuyến mại của doanh nghiệp và tờ khai đã hợp lệ. Thông báo hoạt động khuyến mại đã được gửi thành công cho Sở Công Thương của 63 tỉnh/thành phố. Cả 5 dịch vụ trải nghiệm trực tiếp tại lễ khai trương đều đăng ký thành công trên Cổng DVCQG.
Ý kiến phản hồi của người trải nghiệm tại các điểm cầu cho thấy, thao tác trên Cổng DVCQG nhanh và thuận tiện cho người sử dụng, thủ tục đăng ký đơn giản, các bước thực hiện dễ hiểu. Các nhân vật trải nghiệm mong muốn có nhiều dịch vụ thiết thực hơn nữa được đưa lên Cổng DVCQG để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.
Ngay tại sân khấu lễ khai trương, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng; Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung... đã thực hiện ký cam kết điện tử nhằm đồng hành xây dựng, vận hành, phát triển Cổng DVCQG phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tại điểm cầu lễ khai trương diễn ra tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến, lãnh đạo các tất cả các bộ, ngành và các tỉnh/thành phố cùng thực hiện việc ký cam kết điện tử. Đây là việc làm thể hiện sự chung tay trong việc xây dựng, vận hành và phát triển Cổng DVCQG, đẩy mạnh, kết nối, cung cấp thủ tục hành chính lên Cổng DVCQG.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại lễ khai trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trân trọng cảm ơn những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, để Cổng DVCQG hoạt động thực chất, liên tục, hiệu quả và an toàn, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ, các tổ chức có liên quan để bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống Cổng DVCQG cũng như bảo đảm thông tin, dữ liệu của người dân, doanh nghiệp không bị lộ lọt, lợi dụng.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, địa phương rà soát, đánh giá, nâng cấp chất lượng các dịch vụ công trực tuyến liên quan thiết yếu đến đời sống của người dân, doanh nghiệp dần tích hợp lên Cổng DVCQG, đẩy nhanh tiến độ kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin từ cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương với Cổng DVCQG và nâng cấp, hoàn thiện các tính năng, tiện ích để tạo những trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.
Theo Chinhphu.vn